(Bìa truyện khi xuất bản ở Trung Quốc)
(Bìa truyện khi xuất bản ở Việt Nam)
Tam sinh tam thế thập lý đào hoa
Tác giả: Đường Thất Công Tử
Dịch giả: Giang Phương
Thể loại: Ngôn tình cổ đại, huyền huyễn, có chút ngược tâm, HE
Trong tháng 12/2011, Quảng Văn phát hành tác phẩm “Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa” của nhà văn Đường Thất Công Tử, với bản dịch của dịch giả Giang Phương. Để tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm này cũng như khuynh hướng sáng tác của Đường Thất Công Tử, Quảng Văn đã tiến hành phỏng vấn tác giả này. 8 trong số hơn 50 câu hỏi do bạn đọc gửi về đã được lựa chọn để phỏng vấn. Đường Thất Công Tử đã hồi đáp những thắc mắc đó như thế nào? Bạn hãy đón đọc bài phỏng vấn hoàn chỉnh sau đây nhé.
Hỏi: Lý do gì đã khiến chị lựa chọn bút danh này? Chị có biết là ở Việt Nam có một sự hiểu lầm nho nhỏ rất dễ thương về bút danh "Đường Thất Công Tử" của chị không? Vì hai chữ "công tử" mà có không ít bạn đọc tưởng chị là nam giới, đến lúc phát hiện ra sự thật, vừa buồn cười, vừa đau lòng. (Jinny Nguyễn – jinnyruan@gmail.com)
Đường Thất Công Tử (ĐTCT) trả lời: Thực ra không có hàm ý gì đặc biệt, chỉ là tôi cảm thấy hai chữ này rất thuận miệng, chữ Công Tử là tiện thể cho vào thôi. Ban đầu khi tôi up truyện lên trang web đó thì đã có người lấy ID Đường Thất rồi, để phân biệt nên tôi thêm hai chữ “Công Tử” vào. Khi độc giả nữ phát hiện ra sự thật họ không khóc lóc là quá may rồi.
Hỏi: Cái tên Tam sinh tam thế thập lý đào hoa có ý nghĩa gì? Có hai cách hiểu về Tamsinh tam thế ở đây, là ba đời của nhân vật Bạch Thiển: khi làm đồ đệ của Mặc Uyên, khi làm người phàm trần Tố Tố, khi làm thượng thần Bạch Thiển và vị hôn thê của thái tử Dạ Hoa. Hay Tam sinh tam thế là ba giai đoạn trong tình yêu của hai nhân vật chính: 1. Khi Bạch Thiển là người phầm trần Tố Tố và Dạ Hoa yêu Tố Tố nhưng chàng lại nghĩ Tố Tố lấy mình chỉ vì cô đơn trong khi Tố Tố ban đầu thì thế thật nhưng sau đó dần dần yêu Dạ Hoa sâu nặng, 2. Bạch Thiển mất trí nhớ và yêu thương Dạ Hoa trong khi Dạ Hoa dằn vặt vừa mong nàng nhớ lại vừa mong nàng quên hết những đau buồn, 3. Sau khi Dạ Hoa tỉnh lại, hai người vứt bỏ vướng mắc và sống hạnh phúc mãi mãi *happy ever after*. Trong hai cách hiểu trên thì cách nào đúng? (Trần Minh Châu – 21 tổ 8 ngõ 155, Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội)
ĐTCT trả lời: Thực ra 3, 6, 9 những con số này đều là ước lệ chứ không phải con số cụ thể trong văn hóa Trung Quốc cổ đại, vì thế “tam sinh tam thế” ở đây cũng là ước lệ, có nghĩa là bất luận trải qua bao nhiêu thời gian, mười dặm hoa đào trong hồng hoang vẫn nở rực rỡ, tình này vẫn luôn vĩnh hằng.
Hỏi: Trong quá trình thai nghén tác phẩm đến khi tác phẩm dần thành hình, có bao giờ chị định để một kết thúc buồn hay không? Vì một kết thúc buồn thường để lại nhiều ấn tượng sâu sắc hơn và một sự ám ảnh nhất định, nó sẽ để lại những tiếc nuối, lưu luyến... khiến độc giả nhớ kĩ tác phẩm của chị hơn. Như trong chính tác phẩm Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa, sao chị không cho cái chết của Dạ Hoa "đi đến cùng", mà lại mở ra một kết thúc đẹp ở chương cuối? (Đỗ Phương Thảo – 2/670 Ngô Gia Tự, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội)
ĐTCT trả lời: Viết thành bi kịch thì đáng thương quá. Mặc dù trong khi viết tôi thường xuyên thay đổi một số tình tiết so với đề cương ban đầu nhưng khung chính của truyện thường không thay đổi. Có một số truyện phù hợp với bi kịch trong hoàn cảnh đó, ví dụ Hoa tư dẫn, nhưng có một số truyện nên có kết thúc viên mãn, khiến người ta cảm thấy ấm áp, ví dụ Mười dặm hoa đào (Thập lý đào hoa).
Hỏi: Nghe nói Tam sinh tam thế sắp được dựng thành phim, liệu chị có nghĩ rằng với hơn 100 phút thì có thể lột tả hết được những gì chị viết không? Bản thân chị thấy nam diễn viên nào sẽ hợp với vai Dạ Hoa và Mặc Uyên, có thể thể hiện được thần thái và khí chất của hai nhân vật này? (Quỳnh Anh - Phòng 212, nhà A5, khu tập thể cơ khí HN, 129C Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội)
ĐTCT trả lời: Tôi luôn cho rằng từ tiểu thuyết dựng thành phim điện ảnh thực ra là một lần sáng tạo nghệ thuật, chúng ta có thể thường xuyên thấy một bộ phim kể về một số người, trong vòng hai tiếng ngắn ngủi liệu có thể diễn lại cả đời người không? Chắc chắn là không thể, nhưng có thể tái hiện lại một cách đặc sắc bằng ngôn ngữ điện ảnh. Còn về diễn viên, tạm thời chưa tới khâu chọn diễn viên nên tôi không chưa nghĩ tới vấn đề này.
Hỏi: Chị viết Tam sinh tam thế nhờ cảm hứng nào? Có điều gì thật đặc biệt trong quá trình viết câu chuyện này không? (Ngọc Anh - số 9 ngách 178/30 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội)
ĐTCT trả lời: Có một chuyện rất thú vị là, văn hóa truyền thống Trung Quốc phát triển tới bây giờ, hồ ly tinh dần dần trở thành một danh từ với nghĩa tiêu cực, trong nhiều tác phẩm văn học hồ ly tinh cũng đồng nghĩa với sự lẳng lơ, cám dỗ; vì vậy khi bắt đầu viết cuốn truyện này, tôi muốn viết một hồ tiên hoàn toàn khác biệt. Khi viết cuốn sách này tôi cảm thấy rất nhàn nhã, không bận rộn lắm, đến khi hoàn thành, thực sự khiến tôi nhung nhớ cảm giác ấy.
Hỏi: Chị có tiếp tục phát triển những chi tiết trong truyện thành những bộ truyện khác, giống như phát triển câu chuyện về Phượng Cửu trong Chẩm thượng thư không? (Nguyễn Thị Thu – SN 16, đường Nguyễn Đình Chính, phường Ki Bá, thành phố Thái Bình)
ĐTCT trả lời: Tôi đã từng nghĩ mình sẽ viết một hệ liệt, bối cảnh đều là thế giới thần tiên,Thập lý đào hoa chỉ là cuốn thứ nhất. Nhưng viết đến nay đã là bốn năm mà hệ liệt này mới hoàn thành được một cuốn Thập lý đào hoa và nửa cuốn Chẩm thượng thư, tôi cảm thấy xấu hổ quá.
Hỏi: Bạch Thiển và Dạ Hoa phải trải qua bao thăng trầm, đau khổ rồi cuối cùng mới được sống hạnh phúc bên nhau, tình cảm của hai người thật sự vô cùng sâu sắc. Vậy tác giả đã bao giờ có một tình yêu như thế hoặc đã chứng kiến một tình yêu tương tự chưa? Có phải tác giả viết chuyện tình của hai nhân vật chính dựa trên một chuyện tình có thật đó hay không? (Nguyễn Thu Hương - Hiệu ảnh Việt Hưng, ngã tư Nam Cường, đường Thành Công, thành phố Yên Bái tỉnh Yên Bái)
ĐTCT trả lời: Có tám chữ để trả lời câu hỏi này đó là: “Như hữu lôi đồng, thuần thuộc hư cấu”. Nghĩa là câu chuyện trên hoàn toàn hư cấu, không dựa vào câu chuyện thực tế nào cả.
Hỏi: Tác giả đã nghĩ gì trước khi bắt đầu viết Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa? Và sau khi hoàn thành Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa, suy nghĩ đầu tiên nổ ra trong đầu tác giả là gì? (La Thị Ngọc Sơn – langocson@gmail.com)
ĐTCT trả lời: … Vế thứ nhất, thời gian quá lâu rồi nên tôi không nhớ được. Còn vế thứ hai, dựa vào kinh nghiệm mỗi lần viết văn của tôi bây giờ mà nói, suy nghĩ đầu tiên khi hoàn thành một cuốn truyện đó là “Trời ơi, cuối cùng cũng xong rồi“.
Cuối cùng tôi muốn nói hai câu, cảm ơn Công ty cổ phần sách và truyền thông Quảng Văn đã xuất bản bản tiếng Việt của cuốn sách này, hi vọng các độc giả Việt Nam yêu thích và đón nhận cuốn sách, cũng hi vọng cuốn sách sẽ mang lại sự ấm áp cho các bạn. Thời gian xuất bản cuốn sách rơi vào dịp Tết dương lịch nên chúc mọi người năm mới vui vẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét